Đi mua bao cao su, có gì phải ngại? 18 Tháng Mười Một, 2024 – Posted in: Chưa phân loại
Nếu bạn cần một lý do để hết ngại khi mua bao cao su, tôi sẽ cho bạn hẳn hai lý do.
Tôi bước vào siêu thị, kéo khẩu trang lên, cẩn trọng nhìn biển hiệu bên trên từng gian hàng, cố định vị quầy đồ vệ sinh cá nhân. Tôi tránh các ánh mắt dồn về phía mình, tự hỏi họ có đang nhìn mình thật không hay do mình tưởng tượng.
Hít một hơi, tôi bốc mấy gói giấy bỏ vào giỏ hàng, giấu dưới cái khăn tắm chưa tính tiền.
Có thể bạn đang nghĩ tôi là một đứa ăn cắp vặt, hoặc một người nổi tiếng sợ fan nhận diện. Nhưng không, tôi là một người bình thường. Tôi chỉ đang tìm mua bao cao su thôi.
Siêu thị gần trường quá nên tôi cứ nơm nớp lo sợ có người thấy. Tôi thậm chí đã gắt gỏng với bạn trai khi anh nói, “Em đang tiện đường thì mua bao luôn đi.”
Đó là năm tôi mới mất trinh. Bây giờ thì tôi khác rồi, nhưng nhắc lại vẫn thấy buồn cười. Vì sao mình chẳng làm gì sai cũng phải sợ? Và ai mới là người nên mua bao?
“Bạn mặc thì bạn mua chứ”
Đây là câu nói của một chị khách mời trong chương trình Người Lạ Ơi khi được hỏi “Ai nên chuẩn bị bao cao su?” Tôi quay sang hỏi những người xung quanh, hầu hết mọi người trả lời là đàn ông nên mua, nhưng phụ nữ vẫn mua để “phòng thân”.
Bộ phim tài liệu nổi tiếng Sex, Explained đưa ra một lý do rất “hợp tình hợp lý” cho điều này: số biện pháp tránh thai dùng trên phụ nữ nhiều hơn hẳn số biện pháp trên đàn ông, vốn chỉ có bao cao su và thắt ống dẫn tinh là phổ biến.
Trước khi được bày bán, các sản phẩm tránh thai phải được kiểm định có tác dụng phụ bé hơn hậu quả người sử dụng phải gánh nếu không dùng. Ví dụ, phụ nữ dùng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể bị đau đầu, buồn nôn, chóng mặt – nghe cũng khổ nhưng chưa khổ bằng có bầu ngoài ý muốn.
Đàn ông khi dùng thuốc tránh thai (trong giai đoạn thử nghiệm) cũng gặp tác dụng phụ tương tự. Nhưng vì anh không thể mang bầu, những tác dụng phụ này lại quá to lớn so với không dùng thuốc.
Nếu có một viên thuốc tránh thai trước mặt, thì phụ nữ thường là người phải uống. Sự thật là đàn ông nhẹ gánh hơn hẳn phụ nữ trong chuyện ngừa thai. Vì vậy, việc chủ động mua và mang bao là cách để họ “đền bù” cho bên thiệt thòi hơn.
(Đây mới là trường hợp của các cặp đôi dị tính thôi, tôi sẽ hỏi thăm các bạn LGBTQ+ trong một bài viết khác.)
“Bao hộ mệnh”
Cá nhân tôi thấy ai mua cũng được, miễn là có bao. Nhưng gặp anh nào chu đáo thì tôi vẫn thầm sung sướng và thở phào nhẹ nhõm.
Ngán nhất là mấy anh có tư duy “đại đại”: cũng chưa phải yêu đương chính thức hay đi khám phụ khoa với nhau rồi, mà cứ dụ không dùng bao. “Đại đi em,” anh nói.
Bao nhiêu hứng tình tắt ngúm trước lời dụ của anh. Thay vào đó, trong đầu tôi bật ra cả tá câu hỏi: Ủa, vì sao vậy? Hay anh bị dị ứng với latex? Anh không-dùng-bao với bao nhiêu người rồi? Giờ em muốn dùng bao thì phải xử trí như nào với anh? Chẳng lẽ lại “không yêu trả dép tôi về”?
Tôi cũng phát hiện ra nếu để bao cao su ở ngay cạnh giường thì các anh sẽ bớt mở lời “dụ dỗ”, vì rõ là tôi không muốn chơi trần. Các anh vẫn thích dùng bao tự chuẩn bị hơn là của tôi, nhưng tôi cứ để đấy.
Bạn bè tôi trêu, “Mày để bao ở đầu giường như bùa hộ mệnh.” Tôi gật gù, cũng không sai.
Nếu bạn cần một lý do để hết ngại khi mua bao cao su
Thì tôi sẽ cho bạn hẳn hai lý do!
Có mà không cần còn hơn cần mà không có
Khi đang lướt Urban Dict, tôi bắt gặp một khái niệm siêu hài tên là “Triết học bao cao su” (Condom philosophy).
Đại ý là, trong cuộc sống, sẽ có những thứ “có mà không cần còn hơn cần mà không có”, ví dụ như bao cao su, khẩu trang, chai xịt côn trùng, bình chữa cháy, hay cửa thoát hiểm. Lý do là vì cái giá của “có mà không cần” rẻ hơn rất nhiều so với “cần mà không có”.
Có bao mà chưa dùng, bạn mất cùng lắm vài trăm ngàn, coi như “tiêu trước xài sau”. Không có bao mà bất chấp, nhỡ xui, bạn có thể mất vài chục triệu chữa bệnh tình dục, hoặc vài tỷ đồng để nuôi một đứa bé khi bạn chưa sẵn sàng. Đó là chưa kể những cái giá khác như thời gian, tinh thần, và sức khỏe.
Không có biện pháp tránh thai nào hiệu quả 100%, nhưng bao cao su tránh được đến 98%. Có kiêng có lành, còn không muốn kiêng mà vẫn muốn lành thì cứ mạnh dạn mua bao. Nếu ai gây cản trở cho bạn, bạn cứ copy-paste đoạn trên gửi họ cho tôi.
Không ai nhìn giỏ hàng của bạn khi mua bao cao su đâu
Thật ra, khi ở chốn đông người như siêu thị, mọi người chỉ chú ý vào việc riêng của họ thôi. Càng đứng gần bạn họ càng cố tỏ ra không chú ý đến bạn (và gói bao cao su trên tay bạn).
Hiện tượng thú vị này được nhà xã hội học Erving Goffman đặt tên là “civil inattention” (dịch nôm na là “tảng lờ lịch sự”). Đây cũng là lý do chúng ta thường tránh ánh mắt nhau khi đang đi trên đường, không nhìn vào màn hình khi đi qua một chiếc laptop đang mở, và không muốn đến gần các cặp đôi đang hôn hít trong công viên.
Lần cuối cùng bạn xăm soi một người chọn mua bao là bao giờ? Tôi thì chưa bao giờ. Và chắc là sẽ không bao giờ (trừ khi đó là đứa con 16 tuổi của tôi sau này – nhưng đó là chuyện tương lai).
Cây ngay không sợ chết đứng
Theo quan sát (cá nhân và chưa có thống kê cụ thể) của tôi, đàn ông thoải mái hơn phụ nữ khi đi mua bao cao su.
Điển hình là thằng Kiên bạn tôi. Nó rủ tôi đi siêu thị, đủng đỉnh lấy mấy hộp Durex với gói băng vệ sinh cho bồ rồi thản nhiên đi tính tiền.
Bạn thu ngân lấy ra một chiếc túi nylon đen gói riêng “hàng cấm” vào cho kín đáo, nó còn bảo, “Khỏi đi em ơi, mình phải bảo vệ môi trường chứ.” Nó nhét hết vào balo. Cả bao với băng nằm gọn bên cạnh… chai xịt côn trùng.
Tôi chọc nó, “Có ghệ rồi nên vênh váo hẳn. Tao chả dám hiên ngang như mày đâu, ngại lắm.” Nó tếu táo, “Ngại gì? Sợ người ta biết mày là một người trưởng thành được giáo dục tốt à?”
Trong một khoảnh khắc, thằng bạn tôi trở nên cool ngầu như cái GIF Drop The Mic của Obama.
Chơi với những người khá cởi mở và hiểu chuyện nên tôi đỡ ngại đi nhiều. Bây giờ, việc mua bao cao su với tôi thành bình thường như cân đường hộp sữa. Nói đúng ra là tôi thà mua bao còn hơn mua sữa, vì tôi chưa muốn có em bé lúc này đâu!
Nguồn: Durex Việt Nam.